Chuyên mục

Những năm đầu thế kỷ 21 được đánh dấu bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo – Công nghệ và vật liệu đem đến cho kiến trúc những thay đổi mạnh mẽ về quan niệm và phương pháp thiết kế. Cũng từ thế kỷ 20, vấn đề biến đổi khí hậu cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của hầu hết các nước trên thế giới mà biểu hiện là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, đòi hỏi giới kiến trúc phải đưa ra đươc các giải pháp đáp ứng.

Những vấn đề của kiến trúc thế kỷ 21 cũng được sự hưởng ứng nhiệt tình của các KTS đã nổi tiếng cuối thế kỷ 20, đây là tiền đề cho sự nối tiếp không “đứt gãy” của nền kiến trúc thế giới. Hầu hết các xu hướng sáng tác kiến trúc đương đại đều là sự kế thừa và phát triển của kiến trúc thời kỳ Hậu Hiện đại bắt đầu từ những năm 1970 với sự tham gia tích cực của các KTS danh tiếng thời kỳ này cùng các sáng tác của các KTS nổi tiếng từ cuối thế kỷ 20. Thế kỷ 21 cũng đánh dấu sự ra đời của các công ty kiến trúc đa quốc gia dẫn tới việc tác giả của nhiều công trình kiến trúc được ghi tên công ty thiết kế ra chúng mà không gắn với tên một KTS cụ thể nào.

Phong cách High-Tech trong thời kỳ mới

Kiến trúc High-Tech còn được gọi là chủ nghĩa Biểu hiện Cấu trúc xuất hiện từ những năm 1970 và phát triển mạnh trong những năm tiếp theo của thế kỷ 20 nhờ vào việc sử dụng và nhấn mạnh các yếu tố kỹ thuật và công nghệ, lấy mỹ học cơ khí làm nền tảng triết lý thiết kế nhưng vẫn chú trọng đến công năng của công trình. Thế kỷ 21 với những thành tựu về khoa học và công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới thêm dư địa cho kiến trúc High-Tech, trào lưu High-Tech không chỉ bó hẹp ở các nước phương Tây mà còn lan rộng sang các nước đang phát triển và đem lại khả năng gắn bó với kiến trúc truyền thống bản địa.

Những KTS gạo cội của trào lưu High-Tech thế kỷ 20 vẫn tiếp tục sáng tác theo phong cách này nhưng theo những cách tiếp cận mới, phù hợp với kỷ nguyên mới. KTS tiên phong của trào lưu này là Norman Forster với những công trình như 30 St Mary Axe, Sân vận động Wembley ở Luân Đôn, Hearst Tower ở New York, Leslie Dan Faculty of Pharmacy ở Toronto, Sân bay vũ trụ Mỹ ở New Mexico, Sân bay quốc tế Queen Alia ở Amman… Cũng phải kể đến các KTS gạo cội như Jean Nouvel với Torre Agbar ở Barcelona, Bảo tàng Louvre Abu Dhabi ở UAE; Richard Rogers với Leadenhall Building ở Luân Đôn; Frank Williams với Mercury City Tower ở Moscow; Santiago Calatrava với Turning Torso ở Malmö. Ngoài ra là các phẩm của công ty thiết kế như Arup với sân vận động City of Manchester hay Tange Associatrs với Mode Gakuen Cocoon Tower ở Tokyo…

Hình 1: 30 St Mary Axe, Luân Đôn, Anh
Hình 1: 30 St Mary Axe, Luân Đôn, Anh
 

Những tác phẩm của trào lưu High-Tech đầu thế kỷ 21 đã sử dụng những thành tựu công nghệ mới nhất cho các công trình của mình như kết cấu khung – vỏ Diagrid như ở 30 St Mary Axe (Hình 1), Hearst Tower hay Mode Gakuen Cocoon Tower, bên cạnh đó là những sáng tác lấy cảm hứng từ cảnh quan và kiến trúc bản địa như ở sân bay quốc tế Queen Alia, Bảo tàng Louvre Abu Dhabi (Hình 2).

Hình 2: Bảo tàng Louvre Abu Dhabi, UAE
Hình 2: Bảo tàng Louvre Abu Dhabi, UAE
 

Phong cách Giải toả cấu trúc lên tầm cao mới

Khái niệm Giải tỏa cấu trúc (Deconstruction) trong kiến trúc ra đời từ năm 1988 tại cuộc triển lãm trưng bày tác phẩm của các KTS P. Eisenman, F. Gehry, Z. Hadid, D. Libeskind, R. Koolhass, B. Tsumi và công ty Coop Himmelb(l)AU. Kiến trúc Giải tỏa cấu trúc cố tình tạo ra những công trình phi trật tự trong bố cục hình khối, tỷ lệ, màu sắc, làm mất đi tính hoàn thiện truyền thống, chấp nhận sự tồn tại của các mặt đối lập mà không quan tâm tới sự hòa hợp, mong muốn thể hiện sự vận động, biến đổi thông qua các hình khối uốn vặn, mất ổn định, phi trọng lượng nhằm đạt tới cảm giác bay bổng siêu thực.

Hình 3: Wangjing SOHO, Bắc Kinh, Trung Quốc
Hình 3: Wangjing SOHO, Bắc Kinh, Trung Quốc
 

Tới đầu thế kỷ 21, nhờ sự phát triển mạnh của công nghệ tin học, các mô hình 3D và khả năng liên kết chúng với thiết bị xây dựng giúp tạo ra những hình dạng mà kiến trúc sư thời kỳ trước gần như không thể xây dựng. Ngoài việc sáng tác không ngừng nghỉ của các KTS đã tham gia cuộc triển lãm năm 1988 là sự tham gia của các KTS như G. Richter, R. Zaugg, P. Cook, C. Fournier, P. de Meuron, J. Herzog, J. Meyer, S. Ban, M. Wilford, F. Vázquez, A. Isozaki, T. Ito và các công ty thiết kế The Blobitecture, UN Studio, Biad UFO, RMJM, PES-Architects…

Hình 4: BMW World ở Munich, Đức
Hình 4: BMW World ở Munich, Đức
 

Nói đến trào lưu Giải tỏa cấu trúc thế kỷ 21, không thể bỏ qua các tác phẩm của các KTS tiên phong của trào lưu này như Zaha Hadid với Trung tâm thể thao dưới nước ở Luân Đôn, Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Cagliari, Bảo tàng Giao thông ở Glasgow, Bridge Pavilion ở Zaragoza, Bảo tàng nghệ thuật Eli & Edythe Broad ở Michigan, Ga tàu điện ngầm King Abdullah ở Reyadh, Trung tâm Văn hóa ở Baku, Galaxy SOHO, Wangjing SOHO (Hình 3), Leeza SOHO ở Bắc Kinh, Nhà hát Opera Quảng Châu; Frank Owen Gehry với Trung tâm hoà nhạc Walt Disney ở Los Angeles, Fondation Louis Vuitton ở Paris, Beekman Tower ở New York, Bảo tàng EMP ở Washington; Daniel Libeskind với Bảo tàng nghệ thuật Denver; Rem Koolhass với CCTV Headquarters ở Bắc Kinh, Nhà hát Casa da Música ở Porto; Công ty Coop Himmelb(l)AU với BMW World ở Munich (Hình 4), Trung tâm điện ảnh Busan, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, Ice and Snow World ở Trường Sa, Bảo tàng Confluences ở Lyon. Ngoài ra còn phải kể đến các công trình như Capital Gate ở Abu Dhabi, Absolute World ở Ontario, VIA 57 West ở New York, Bảo tàng Perot ở Dallas, Metropl Parasol ở Seville, Thư viện trung tâm Seattle, Bảo tàng Nhân quyền Canada, Infinity Tower ở Dubai, Incheon Tri-Bowl.

Các công trình phong cách Giải tỏa cấu trúc đầu thế kỷ 21 thường nhấn mạnh tới các mảng cắt mạnh mẽ, sự chồng chéo các hình khối không gian kiến trúc và đặc biệt là sự uốn lượn của các khối cong tạo ra sự biến đổi không ngừng nghỉ của cấu trúc, điều đã khiến kiến trúc sư Z. Hadid được coi là “nữ hoàng của đường cong” (Queen of Curve).

Kiến trúc Sinh thái trở thành trào lưu toàn cầu

Ken Yeang có thể được coi là KTS tiên phong của Kiến trúc Sinh thái (Eco-Architecture) với nhiều nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn từ những năm cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thế kỷ 21, khi vấn đề sinh thái và biến đổi khí hậu trở nên cấp bách thì Kiến trúc Sinh thái mới trở thành một trào lưu được hưởng ứng rộng rãi ở cấp độ toàn cầu.

Hình 5: Solaris Tower, Singapore
Hình 5: Solaris Tower, Singapore
 

Kiến trúc Sinh thái xem xét một cách tổng quát về ảnh hưởng của kiến trúc tới hệ sinh thái của khu vực, thậm chí tới hệ sinh thái của một quốc gia hay toàn cầu. Kiến trúc sinh thái còn quan tâm đến các yếu tố tinh thần, phong tục – tập quán, văn hóa – xã hội và lối sống trong thiết kế kiến trúc. Kiến trúc Sinh thái cho rằng: Kiến trúc phải tham gia vào quá trình tự điều chỉnh và đồng hóa nhằm duy trì các giới hạn của trong hệ sinh thái và các thành phần của nó.

Trào lưu kiến trúc này cũng được sự ủng hộ của các KTS cựu trào như N. Foster, J. Nouvel, R. Piano, thêm vào đó là các kiến trúc sư J. Law, N. Grimshaw, S. Boonyatikam, A. Siza, E. Gerber và các công ty thiết kế CPG Consultants, PTW, Aedas Architects, BIG, NR Architect…

Hình 6: Ga Canany Whart Crossrail, Luân Đôn, Anh
Hình 6: Ga Canany Whart Crossrail, Luân Đôn, Anh
 

Ngoài các tác phẩm nổi tiếng từ những năm cuối thế kỷ 20, Ken Yeang vẫn tiếp tục thiết kế các công trình theo xu hướng Sinh thái trong những năm đầu thế kỷ 21 như Thư viện Quốc gia Singapore, DiGi Technical Office ở Malaysia, Solaris Tower ở Singapore (Hình 5), Spire Edge Tower ở Ấn Độ, Bệnh viện Nhi Great Ormond Street ở Luân Đôn. Các KTS Norman Foster với Ga Canany Whart Crossrail ở Luân Đôn (Hình 6) và cùng Jean Nouvel thiết kế One Central Park ở Sydney; Jean Nouvel với Tower 25 ở Cypriot; Renzo Piano với Viện Hàn lâm Khoa học California, Bảo tàng Zentrum Paul Klee ở Bern. Còn rất nhiều công trình theo trào lưu Sinh thái trên toàn thế giới như Trường Nghệ thuật, Thiết kế và Truyền thông – Đại học Nanyang ở Singapore, Diamon Building ở Malaysia, Thư viện Ngữ văn – Đại học Tự do Berlin, Ecorium thuộc Viện Sinh thái Quốc gia Hàn quốc, Al Bahar Towers ở Abu Dhabi, 8 House ở Copenhagen, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu ở Luxembourg, Nhà hát Quốc gia Trung quốc ở Bắc Kinh, German Pavillon ở Milan, Cybertecture Egg ở Mumbai.

Sự trở lại của Kiến trúc Biểu hiện

Chủ nghĩa Biểu hiện trong kiến trúc xuất hiện từ những năm 1920 có đặc tính gây xúc cảm cho con người bằng các yếu tố tạo hình, hình thức công trình luôn mang tính liên tưởng, tính ẩn dụ với phương châm “chức năng chính của kiến trúc là cảm xúc”. Do vậy, các công trình sáng tác theo chủ nghĩa Biểu hiện thường có cấu trúc không gian phóng khoáng, mang tính biểu tượng mà ít lệ thuộc vào công năng. Tới thế kỷ 21, khi công nghệ và vật liệu mới trong ngành xây dựng có bước phát triển nhảy vọt thì Kiến trúc Biểu hiện đã trở lại mạnh mẽ với những phương cách thể hiện hoàn toàn mới.

Hình 7: Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, Wisconsin, Mỹ
Hình 7: Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, Wisconsin, Mỹ
 

Nói đến Kiến trúc Biểu hiện đương đại thì không thể quên được KTS tiên phong của giai đoạn này – Santiago Calatrava. Tiếp nối những công trình đã nổi tiếng từ những năm 1990, sáng tác của S. Calatrava những năm đầu thế kỷ 21 là hết sức ấn tượng với Bảo tàng Nghệ thuật Milwaukee ở Wisconsin (Hình 7), Auditorio de Tenerife ở Santa Cruz de Tenerife, Tổ hợp thể thao Olympic, Ga Liège-Guillemins ở Bỉ, Cầu Margaret Hunt Hill Bridge ở Dallas, Bảo tàng Ngày mai ở Rio de Janeiro, Ga tàu điện ngầm World Trade Center ở New York, Đại học Bách khoa Florida, Tòa nhà Ciudad de las Artes y las Ciencias ở Valencia. Những công trình Biểu hiện của Herzog & de Meuron cũng hết sức ấn tượng như Bảo tàng Nghệ thuật Tate Modern ở Luân Đôn, Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh, Sân vận động Arena ở Munich, Bảo tàng Khoa học tự nhiên ở Barcelona, Phòng hòa nhạc Elbphilharmonie ở Hamburg (Hình 8). Ngoài ra còn phải kể đến Bảo tàng Nghệ thuật Graz ở Áo, The ArcelorMittal Orbit ở Luân Đôn, Selfridges Building ở Birmingham, Perth Arena ở Australia, Baku Flame Towers ở Azerbaijan, Tbilisi Public Service Hall ở Georgia, Bảo tàng Design Holon ở Tel Aviv, Sân vận động Soccer City ở Johannesburg, Nhà hát lớn Wuxi ở Giang Tô.

Hình 8: Phòng hòa nhạc Elbphilharmonie, Hamburg, Đức
Hình 8: Phòng hòa nhạc Elbphilharmonie, Hamburg, Đức
 

Kiến trúc Biểu hiện ở đầu thế kỷ 21 chú trọng sử dụng các kết cấu và vật liệu hiện đại như hệ khung – sườn kim loại nhẹ, kết cấu khung – vỏ Diagrid, vỏ bê tông cốt thép siêu mỏng, vật liệu phủ siêu nhẹ như màng nhựa ETFE cho phép tạo ra những hình khối điêu khắc đầy ấn tượng vươn rộng ra không gian mà cần rất ít những điểm tiếp xúc với mặt đất. Bên cạnh đó là việc sử dụng các hệ thống thủy lực, hệ thống đèn LED trên toàn bộ bề mặt ở một số công trình tạo khả năng biến đổi cấu trúc và mặt đứng theo thời gian cũng làm tăng khả năng biểu cảm và gây ấn tượng mạnh.

Hai mươi năm đầu thế kỷ 21 được đánh dấu bởi sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và sự quan tâm mạnh mẽ tới tình trạng biến đổi khí hậu tòa cầu mang đến cho kiến trúc vận hội mới trong tư duy sáng tạo, những triết lý và tư tưởng mới trong kiến trúc đã hình thành. Các trào lưu kiến trúc đã đạt được nhiều thành tựu từ thế kỷ 20 như: Chủ nghĩa Biểu hiện, Phong cách High-Tech đều có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt là các trào lưu mới hình thành sau này như Giải tỏa cấu trúc, Kiến trúc Sinh thái đã đạt tới đỉnh cao và tạo ra ấn tượng về đặc trưng của nền kiến trúc của thế kỷ mới trong tương lai.

TS.KTS Trần Quốc Bảo
Trường Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)